Site icon Trường Cao đẳng Dược Sài Gòn

Tân sinh viên đỏ mắt tìm nhà trọ sau khi nhập học

Ngay sau khi các trường đại học công bố danh sách trúng tuyển, các tân sinh viên đã đổ về Hà Nội để tìm nhà trọ. Tuy nhiên, không dễ để tìm được chỗ ở vừa gần trường, vừa hợp túi tiền.

Tân sinh viên đỏ mắt tìm nhà trọ sau khi nhập học

Đã ba ngày nay, Trịnh Văn Quỳnh, sinh viên Đại học Văn Hóa, Hà Nội, lang thang khắp các khu phố quanh trường, mà chưa tìm được phòng trọ nào.

“Các khu nhà trọ gần trường đều hết sạch phòng trống, chỉ còn phòng giá từ 3 triệu đồng trở lên hết, quá cao so với khả năng kinh tế của em. Nếu trọ xa trường quá em lại lo chưa quen đường xá có thể bị lạc. Em mong ngày hôm nay có thể tìm được phòng trọ phù hợp để tiện cho việc đi học,” Quỳnh lo lắng nói.

Dù năm học mới còn chưa bắt đầu, nhưng ngay sau khi thấy tên mình trong danh sách trúng tuyển của trường đại học, rất nhiều tân sinh viên như Quỳnh đã đổ về Hà Nội để tìm phòng trọ học, chuẩn bị cho một hành trình mới.

Với các tân sinh viên, nơi trọ học lý tưởng nhất là ký túc xá của trường. Tuy nhiên, chỗ ở trong ký túc xá đều rất hạn chế với hàng dài các danh sách ưu tiên: gia đình chính sách, học sinh dân tộc, miền núi, hộ nghèo, hộ cận nghèo…

Vì thế, sau niềm vui trúng tuyển là nỗi lo của rất nhiều thí sinh và phụ huynh tỉnh lẻ về chỗ ăn, ở, đi lại, thích nghi với môi trường sống hoàn toàn xa lạ. Trong đó vấn đề trước tiên là tìm nhà trọ.

Theo khảo sát khắp các ngõ ngách trên nhiều tuyến phố ở Hà Nội. Càng khu vực gần nhiều trường đại học, nhu cầu thuê phòng trọ càng lớn và giá cả cũng cao hơn. Các khu “thủ phủ” phòng trọ sinh viên có thể kể đến như khu phố Chùa Láng, Pháo Đài Láng, Nguyễn Khang, là vùng lân cận với các trường đại học Ngoại thương, Ngoại giao, Luật, Lao động xã hội… ; khu vực quanh các trường Đại học Bách khoa, Đại học Xây dựng, Đại học Kinh tế quốc dân.

Ngoài ra còn có khu vực phố Phùng Khoang, gần các trường Đại học Hà Nội, Đại học Công nghệ giao thông vận tải, Đại học Bưu chính viễn thông, Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Giáo dục…; khu vực quận Cầu Giấy với rất nhiều trường đại học như Giao thông vận tải, Học viện Báo chí và Tuyên truyền, Đại học Sư phạm Hà Nội, Đại học Quốc gia Hà Nội…

Ở các khu vực này, trung bình một phòng trọ rộng 15 – 20 m2 có giá không dưới 2 triệu đồng, chưa kể tiền điện, nước. Các phòng có mức giá dưới 2 triệu đồng thường chật hẹp, cũ kỹ, không có nhà vệ sinh khép kín và phải sử dụng nhà vệ sinh chung, bất tiện cho sinh hoạt. Tuy nhiên, các phòng trọ với mức giá khoảng 2,5 triệu đồng trở xuống gần như đều đã có người thuê.

Ông Nguyễn Văn Tước, một chủ nhà trọ trên phố Pháo Đài Láng, nhìn chúng tôi ái ngại: “Giờ này tìm sao được phòng trọ ở gần mấy trường đại học! Quanh đây, sinh viên sau khi thi xong biết chắc sẽ đỗ đã đặt tiền thuê phòng trước cả tháng nay. Giờ có còn sót phòng nào, thì giá cũng rất ‘chát’, đều trên 3 triệu đồng cả”.

Tuy nhiên, theo nhẩm tính của Quỳnh, nếu chấp nhận thuê phòng trọ giá 3 triệu đồng, tính cả tiền điện, nước, thấp nhất cũng lên tới 3,5 triệu đồng/tháng. “Em chưa nhập học, chưa quen bạn nào để rủ ở cùng. Ở một mình thì quá tốn kém và lãng phí,” cậu sinh viên tỉnh lẻ thở dài.

Thí sinh làm thủ tục nhập học 

Nhà ở sinh viên quá tải vì quá đông sinh viên

Khó khăn trong việc tìm phòng trọ gần trường, nhiều sinh viên, phụ huynh đã tìm đến các khu nhà ở dành cho sinh viên.

Sáng 14/8, theo ghi nhận của phóng viên, tại khu Nhà ở sinh viên Pháp Vân-Tứ Hiệp đã có rất đông phụ huynh và sinh viên đến làm thủ tục đăng ký chỗ ở. Cô Lê Thị Hiến (Sơn La), chia sẻ: “Ở nhà trọ riêng sẽ thoải mái hơn, nhưng trước mắt chưa tìm được phòng trọ, tôi cho con ra đây đăng ký chỗ ở cho ổn định. Điều quan trọng là tìm được một chỗ để ở và đi học. Khi con quen trường, quen bạn, quen đường, sẽ tìm nhà trọ sau.”

Cũng giống như cô Hiến, Nguyễn Ngọc Ánh (sinh viên Trường Đại học Thăng Long) cho hay em không tìm được phòng phù hợp gần trường nên đã được nhà trường giới thiệu về khu nhà ở sinh viên Pháp Vân-Tứ Hiệp này.

“Em mới đến làm thủ tục sáng nay, cũng khá nhanh gọn và em được sắp xếp chỗ ở ngay. Tuy phải ở ghép với những bạn chưa quen biết nhưng em thấy đây là nơi phù hợp với sinh viên xa nhà như chúng em,” Ánh chia sẻ.

Tuy nhiên, không phải sinh viên nào cũng có thể “săn” được chỗ ở trong các khu nhà trọ sinh viên như Ánh. Số lượng chỗ ở ở các khu nhà trọ thấp hơn rất nhiều so với nhu cầu của sinh viên. Mặt khác, nhiều trường ở quá xa các khu nhà ở sinh viên, bất tiện cho việc đi lại, học hành của các em. Khu nhà ở sinh viên Pháp Vân-Tứ Hiệp nằm ở ngay cửa ngõ phía Nam của Hà Nội, thuận lợi cho sinh viên thuộc khu vực trường ở quận Hoàng Mai. Khu nhà ở sinh viên Mỹ Đình thuận tiện cho thí sinh khu vực quận Cầu Giấy, Từ Liêm.

“Khu nhà ở sinh viên nào cũng quá xa so với trường Đại học Văn Hóa, thuộc quận Đống Đa, nơi em sẽ theo học,” sinh viên Trịnh Văn Quỳnh buồn rầu nói.

“Hết hôm nay không tìm được phòng trọ nào giá thấp hơn, chắc em sẽ phải chấp nhận thuê phòng trọ giá 3 triệu đồng để ổn định chỗ ở trong giai đoạn đầu. Sau đó, em sẽ tìm bạn ở cùng để chia sẻ tiền nhà,” Quỳnh tính toán./.

Tổng hợp tin tức giáo dục

Exit mobile version