Nắm vững cấu trúc đề thi; các kĩ năng thực hành, làm bài sẽ giúp thí sinh tự tin trước môn Địa lý trong Kỳ thi THPT quốc gia năm 2019 sắp tới.
- Những mốc thời gian quan trọng kỳ thi THPT quốc gia năm 2019
- Thống kê tỉ lệ chọi theo các nhóm ngành kỳ tuyển sinh đại học năm 2019
- Bật mí cách giải trắc nghiệm môn Toán bằng máy tính cực nhanh
3 nguyên tắc giải quyết nhanh gọn đề thi Địa lý thpt quốc gia 2019
Nắm vững cấu trúc đề thi Địa lý thpt quốc gia
Để có định hướng ôn thi tốt, trước hết thí sinh cần nắm vững cấu trúc đề thi. Theo đó thí sinh cần bám sát đề thi minh họa đối với môn Địa lý thpt quốc gia được Bộ công bố ngày 6/12/2018. Với môn Địa lý trong bài thi Khoa học xã hội, đề gồm 40 câu hỏi, thời gian làm bài 50 phút.
Theo Bộ GD&ĐT, nội dung đề thi năm nay nằm trong chương trình cấp THPT, chủ yếu là chương trình lớp 12; bảo đảm ngưỡng cơ bản để xét tốt nghiệp THPT và có độ phân hóa phù hợp để các cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp làm cơ sở cho tuyển sinh.
Phân tích đề thi tham khảo của Bộ GD&ĐT ta thấy, nội dung đề thi nằm trong chương trình Địa lý lớp 11 và lớp 12. Tỉ lệ câu hỏi lớp 11 là 10%, gồm 2 câu lí thuyết và 2 câu thực hành. Tỉ lệ câu hỏi lớp 12 chiếm 90% gồm 23 câu lí thuyết và 13 câu thực hành.Từ đây, học sinh sẽ có cho mình định hướng tốt nhất để phân bổ lượng kiến thức ôn tập hợp lí cho từng chủ đề.
Nắm vững kĩ năng thực hành và áp dụng át lát
Dựa theo đề tham khảo Địa lý thpt quốc gia đối với phần thực hành, phần này chiếm tới 15 câu hỏi.
Kĩ năng thực hành quan trọng đầu tiên là sử dụng Atlat Địa lý. Đây là tài liệu quan trọng được sử dụng trong phòng thi, nên học sinh cần nắm vững các phương pháp sử dụng Atlat như: Biểu hiện các đối tượng địa lý, các kí hiệu trên Atlat, mối quan hệ giữa các đối tượng trên Atlat.
Về kĩ năng biểu đồ, học sinh cần nắm vững các từ chìa khóa xác định biểu đồ, cụ thể như sau:
Biểu đồ cột: Dạng biểu đồ này được thể hiện động thái phát triển, so sánh tương quan về độ lớn giữa các đại lượng hoặc thể hiện một thành phần cơ cấu trong một tổng thể. Cụ thể như vẽ biểu đồ so sánh dân số, diện tích… của một tỉnh (vùng, quốc gia) hoặc vẽ biểu đồ so sánh sản lượng (lúa, ngô, than, điện…) của một địa phương qua 1 năm.
Biểu đồ tròn: Đây là dạng thường được dùng để vẽ các biểu đồ liên quan đến quy mô và cơ cấu, tỷ lệ các thành phần trong một tổng thể chung, bảng số liệu nhỏ hơn hoặc bằng 3 năm.
Biểu đồ miền: Đây là dạng biểu đồ được sử dụng để thể hiện thay đổi cơ cấu hoặc chuyển dịch cơ cấu, bảng số liệu cần có từ 3 đơn vị năm trở lên.
Biểu đồ đường: Đây là dạng biểu đồ để thể hiện tiến trình phát triển, động thái phát triển của một đối tượng hay một nhóm đối tượng nào đó qua thời gian. Vì vậy, với các bài vẽ biểu đồ đường thường có các cụm từ thể hiện sự phát triển, tốc độ tăng trưởng… với các mốc thời gian nhất định.
Biểu đồ kết hợp: Biểu đồ này thường được sử dụng khi bạn muốn thể hiện các đối tượng nhưng khác nhau về đơn vị mà lại có mối quan hệ mật thiết với nhau.
Ngoài ra, những kĩ năng khác thí sinh cần lưu ý như phân tích bảng số liệu thống kê, các công thức tính toán… cũng cần phải được tăng cường trau dồi thường xuyên.
Địa lý là môn duy nhất trong kỳ thi thpt quốc gia thí sinh được mang át lát vào, do đó cách sử dụng át lát địa lý và khai thác nhanh nhất sẽ giúp ích rất nhiều cho các em học sinh. Điều này cần phải trau dồi kỹ năng khai thác atlat nhanh nhất. Muốn khai thác nhanh thì chỉ còn cách đó là nằm lòng cuốn át lát này.
Lưu ý một số kĩ năng làm bài Địa lý thpt quốc gia
Thời gian làm bài trắc nghiệm môn Địa lý là 50 phút với tổng số 40 câu hỏi. Cũng giống như các môn thi trắc nghiệm khác, khi làm bài thi môn Địa lý, các em học sinh cần lưu ý đọc kỹ một lượt các câu hỏi, cảm thấy câu nào dễ thì làm trước, đặc biệt các câu hỏi về Atlat và biểu đồ. Điều đó sẽ tạo tâm lí tốt cho thí sinh khi làm các câu khó hơn.
Khi làm bài trắc nghiệm, thí sinh phải đọc kĩ câu hỏi và gạch từ chìa khóa; đặc biệt là các câu hỏi vận dụng và vận dụng cao. Từ đó, thí sinh có thể loại bỏ dần các phương án gây nhiễu để chọn cho mình đáp án đúng nhất, bao quát nhất. Tuyệt đối không được bỏ trống bất kì câu hỏi nào, bởi trong bài thi trắc nghiệm phần nào vẫn sẽ có những yếu tố may mắn.
Cuối cùng, hãy giữ cho mình một tâm thế bình tĩnh, tự tin – điều này vô cùng quan trọng để có thể làm bài hiệu quả cao nhất.